Bệnh viêm xoang hay còn gọi chung là viêm mũi xoang là bệnh lý khá phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi ở Việt Nam. Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc hô hấp lót trong các xoang cạnh mũi. Đây là tình trạng phù nề gây tăng tiết nhầy ở niêm mạc các xoang do một vài tác nhân nào đó gây tắc nghẽn xoang. Nếu bệnh diễn ra trong thời gian ngắn sau đó khỏi dưới 4 tuần gọi là viêm xoang cấp tính. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách, dẫn đến dai dẳng kéo dài trên 3 tháng gọi là viêm xoang mạn tính.
Nguyên nhân bệnh Viêm xoang
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang. Thường gặp nhất là các nguyên nhân do nhiễm virus, vi khuẩn làm tổn thương tế bào lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang gây viêm mũi xoang cấp tính. Ngoài ra một số yếu tố gây dị ứng như thời tiết lạnh, phấn hoa, môi trường khói bụi cũng là các nguyên nhân khiến cho các cơ địa mẫn cảm dễ bị viêm xoang tái phát nếu không loại được các yếu tố trên ra khỏi môi trường sống. Còn một tỷ lệ hiếm gặp là bất thường giải phẫu mũi xoang như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, phì đại cuốn mũi dẫn đến lưu thông mũi xoang kém mà gây viêm xoang.
Triệu chứng bệnh Viêm xoang
Triệu chứng của bệnh viêm xoang thường bắt đầu bằng việc người bệnh có thể hắt hơi, sổ mũi như một nhiễm cúm thông thường. Sau đó thường xuất hiện hai triệu chứng là nghẹt mũi và chảy nước mũi, dịch tiết ở nước mũi có thể trong hoặc màu vàng xanh. Triệu chứng của bệnh viêm xoang nặng là người bệnh có thể sốt, ho, nặng mặt, đau nhức đầu vùng trán, thái dương hoặc gò má, giảm khả năng cảm nhận mùi, thậm chí không ngửi thấy mùi.
Đường lây truyền bệnh Viêm xoang
Có thể tiếp xúc qua đường hô hấp nhiễm phải các nguyên nhân gây bệnh như đã kể ở trên.
Phòng ngừa bệnh Viêm xoang
Tránh các tác nhân gây bệnh là biện pháp phòng ngừa phổ biến. Giữ gìn vệ sinh mũi họng để tránh bị viêm mũi, viêm họng dẫn đến viêm xoang. Ngoài ra cần phải giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, giảm khói, bụi ô nhiễm cũng như các biện pháp hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng sẽ giảm tình trạng viêm xoang. Người bị viêm xoang mạn tính cần phải giữ ấm vùng mũi họng thường xuyên khi gặp thời tiết lạnh để tránh đợt viêm cấp.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm xoang
Nội soi tai mũi họng là phương pháp sử dụng thường xuyên để chẩn đoán viêm xoang. Khi soi sẽ thấy dịch vàng xanh chảy ra từ các khe mũi xoang, niêm mạc xung quanh các khe đó phù nề, viêm đỏ, xuất tiết.
Trong một vài trường hợp khó chẩn đoán hoặc cần phải khảo sát trước khi phẫu thuật, chụp cắt lớp vi tính được chỉ định. Trên phim cắt lớp sẽ thấy được dịch trong các hốc xoang mà bình thường hốc xoang chỉ có khí, hay hình ảnh phù nề của niêm mạc khe mũi xoang. Chụp cắt lớp vi tính còn có ưu điểm phát hiện được bất thường giải phẫu vùng mũi xoang cũng là nhóm nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm xoang.
Đông y có nhiều vị thuốc, bài thuốc để chữa trị viêm xoang, tùy vào tính cấp hay mãn. Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ rất tốt cho điều trị.
Các vị thuốc
Kim ngân hoa: có vị ngọt, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, dùng chữa viêm xoang. Ngoài ra cònchữa mụn nhọt, mẩn ngứa, phát ban, thấp khớp…
Ké đầu ngựa: còn gọi là thương nhĩ tử có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng tiêu độc, sát khuẩn trừ thấp. Dùng chữa viêm xoang, ngoài ra còn dùng chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, đau răng.
Cây cứt lợn: còn gọi là hy thiêm có vị đắng, tính hàn, có tác dụng trừ thấp, hoạt huyết, bổ huyết. Dùng để chữa viêm xoang ngoài ra còn chữa đau lưng, mỏi gối, tê liệt tay chân, nửa người.
Tân di: vị cay, tính ấm có tác dụng tán phong nhiệt thượng trên, thông khiếu. Dùng chữa viêm xoang, ngoài ra còn trị ngạt mũi, nhức đầu phong, ngạt mũi khó thở, mọc nhọt trong mũi.
Rau diếp cá: còn có tên là ngư tinh thảo có vị chua, mùi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, sát khuẩn. Dùng chữa viêm xoang, ngoài ra còn dùng chữa đinh nhọt, bí tiểu, kinh nguyệt không đều, viêm phổi,đau mắt đỏ…
Trả lời