CÁC LOẠI HỎA VÀ CỔ PHƯƠNG TAM NHẤT THẬN KHÍ HOÀN

CÁC LOẠI HỎA VÀ CỔ PHƯƠNG TAM NHẤT THẬN KHÍ HOÀN 

Bàn về sức nóng trong cơ thể

Cơ thể con người khỏe mạnh bình thường có độ ấm hằng định mặc dù có sự biến động của thời tiết bên ngoài. Nhưng mỗi người có sự nhạy cảm klhác nhau. Có người về mùa Đông dội nước lạnh ào ào vẫn thấy bình thường như khi tắm ở bất kỳ mùa nào. Trong khi có người hễ động tới nước lạnh thì ốm ngay. Khi có giá lạnh về, trong khi người trẻ mặc áo phong phanh, người già, người yếu vội mặc ấm; tất nhiên sức khỏe người già kém hơn người trẻ.

Trong một con người, độ ấm mỗi nơi cũng khác nhau. Có người phần trên mình thì ấm, phần chân lạnh phải đi tất. Có người lòng bàn tay, lòng ban chân ấm hơn phần mu tay, mu chân. Như vậy độ ấm phân bố không đều ở từng vùng. tất cả những hiện tượng ấy đều là có thật trên lâm sàng. Từ các hiện tượng ấy, người xưa hình dung và đặt tên các loại hỏa, gói ghém một khái niệm của thứ hỏa đó.

Trước hết, khái niệm chung về độ ấm cần thiết cho cơ thể gọi là Hỏa. Độ ấm hằng định của người khỏe mạnh bình thường là thứ Hỏa sinh lý. Thứ Hỏa ấy bắt gốc từ Chân Hỏa. Chân Hỏa là thứ Hỏa vốn có một cách tự nhiên, ngay từ khi mới là mầm mống của con người. Chân Hỏa quan hệ tới sự sống con người, cho nên cũng gọi là Mệnh hỏa, hoặc là Mệnh môn hỏa.

  • Chân hỏa, Mệnh hỏa có liên quan tới “Thiếu hỏa“. Thiếu hỏa là Hỏa của kinh Thận, cũng như các tạng khác đều có tướng hỏa; sách nói, các tạng khác đều có Hỏa, lúc biến động thiếu hỏa trở thành “tráng hỏa”, một thứ hỏa không bình thường có thể gây hại, nhóm thành bệnh.
  • Thiếu hỏa là thứ hỏa của tạng thận; thận là một tạng thuộc Thủy, Thủy thuộc âm, Hỏa thuộc dương; đó là tình trạng dương trong âm. Người xưa hình dung tình trạng này giống như con rồng. Theo quan niệm ngày xưa, rồng là con vật có tính dương,, có nơi ở là biển sâu, biển sâu là Thủy. Khi nơi đó bị lạnh quá, rồng không ở yên được mà bay lên, khi rồng bay lên thì sấm mang theo. Đối chiếu với lý thuyết kinh dịch, tình trạng dương ở trong âm giống như quẻ Khảm có một hào dương ở giữa hai hào âm; quẻ khảm tượng trưng cho Thủy, cho Thận. Sấm thuộc quẻ Chấn, quẻ chấn tượng trưng cho Mộc, cho Can. Đối chiếu với Thập can, tạng Can thuộc Mộc ứng với Giáp và Ất; tạng Thận thuộc Thủy, ứng với Nhâm và Quý. Qua đó cho thấy có các mối liên quan giữa Can và Thận rất chặt chẽ; người xưa gọi bệnh chung giữa hai tạng là “Ất Quý đồng nguyên” (Can Thận cùng chung gốc). Hỏa của Long (rồng) và Lôi (sấm) gọi là Long Lôi hỏa. Long lôi hỏa có nơi ẩn náu là Thận nhưng tác dụng ở Can. Long lôi hỏa là thứ hỏa bệnh lý.

Nhiệt và hoả

Nhiệt và Hỏa đều có tính nóng. Thông thường người ta dùng thuốc có tính hàn lương để dẹp chứng Nhiệt, chứng Hỏa đó; ví dụ dùng Hoàng liên để làm mát tâm hỏa. Nhưng chúng có những dấu hiệu là bệnh có long lôi hỏa dùng thuốc hàn lương không mát đi được mà độ nóng càng bốc cao hơn.  Khi dùng bài Tam nhất Thận khí hoàn lại thấy bệnh lui mau chóng. Qua quan sát đó người ta thấy có hai loại hỏa:

  1. Một loại hỏa không mâu thuẫn gì với tính ôn nhiệt của thuốc; tính của bệnh và tính của thuốc đồng nhất với nhau.
  2. Một loại hỏa dùng thuốc hàn lương mới dẹp được; tính của thuốc mâu thuẫn với tính của bệnh; tính của thuốc và bệnh không đồng nhất với nhau.

Sách dạy: “thực hỏa không được dung túng…lấy thuốc hàn mà trị bệnh nhiệt”. Vậy loại hỏa thứ 2 là “thực hỏa”, còn loại thứ nhất là “hư hỏa”. Bệnh hư phải dùng thuốc bổ có tính cam ôn.

Thực hỏa cũng được gọi là loại “Hỏa hữu hình”. Loại hỏa này được hình thành trong quá trình sống cho nên cũng gọi là “Hỏa hậu thiên”. Trái lại, Chân Hỏa, Mệnh hỏa là thứ hỏa vốn có ngay từ đầu được gọi là “Hỏa tiên thiên”, cũng được gọi là “Hỏa vô hình”.

Biến động của hoả

Có người hỏi: “Vô hình làm sao thấy được?”. Sách đáp: “nhân quan sát sự biến động của nó mà có thể biết được”. Sự biến động của Hỏa vô hình trên các chặn đường đi như sau: Chân hỏa là đầu nguồn cùng tác dụng với thiếu hỏa của thận truyền ra tam tiêu; mỗi tạng phủ đều có hỏa riêng; thứ hỏa này cùng với hỏa ở Tam tiêu cùng tỏa đi các nơi sưởi ấm cơ thể; độ ấm bình thường, không gây sốt, lạnh hoặc bất thường cho cơ thể là một mặt biểu hiện của chân hỏa.

Mỗi tạng có thứ hỏa riêng của tạng đó, nhưng tầm quan trọng của mỗi thứ có khác nhau, nên có tên gọi khác nhau. Hỏa của Tâm gọi là quân hỏa, Hỏa của Can, Thận gọi là Tướng hỏa. Quân là vua, vua là người ra lệnh; tướng hỏa là người thừa hành, chịu lệnh của vua mà thực hiện mọi công việc. Tướng là người xông xáo, tháo vát làm được nhiều việc nhưng cũng là người dễ gây loạn, phá phách tàn ác. Ví dụ tướng hỏa của Can mạnh lên trở thành Can hỏa vượng, Can khí nghịch, gây các chứng nhức đầu, đỏ mặt, đau mắt…Nội kinh nói: “Quân hỏa phải sáng suốt, tướng hỏa phải ở đúng vị trí của mình”, đúng vị trí của mình có nghĩa là làm đúng chức năng của mình, giải quyết mọi công việc được trôi chảy tốt đẹp, không gây rối. Triệu Dưỡng Quỳ, Phùng Sở Chiêm gọi hỏa của phủ là Dân hỏa. Phùng Sở Chiêm còn phân biệt, cho hỏa của Tam tiêu quan trọng hơn một mức, gọi là huynh hỏa, còn hỏa của các phủ khác là đệ hỏa.

Chu Đan Khê cũng chia ra làm hai loại hỏa như trên đây đã nói, gọi là Thiên hỏa và Nhân hỏa. Thiên hỏa là hỏa của tự nhiên, cũng là Chân hỏa, Mệnh hỏa, Hỏa tiên thiên, Hỏa vô hình. Nhân hỏa là hỏa của người, hỏa của tạng phủ, hỏa hậu thiên, hỏa hữu hinh…

Chân hỏa thường xuyên được chân âm nuôi dưỡng , nhờ đó mà hỏa vô hình luôn sáng tỏ. Chân hỏa từ Thủy sinh ra nên Thủy không có gì mâu thuẫn với chân hỏa, Thủy cần thiết cho chân hỏa, nuôi dưỡng chân hỏa, thăng bằng với chân hỏa. Nhưng thủy lại mâu thuẫn với hỏa hữu hình, Hỏa hậu thiên…dùng thuốc hàn lương mà điều trị hỏa này.

Chân hỏa thuộc dương nên chân hỏa cũng là nguyên dương. Chân âm cũn là nguyên âm. Nguyên âm, nguyên dương đều thuộc về nguyên khí của Mệnh môn.

Thiếu hỏa, chân hỏa,…là phần trọng tâm được bàn tới. Tuy nhiên cũng cần biết những thứ Nhân hỏa, thực hỏa…Đó là những thứ hỏa lục dâm, của tạng khí, của ngũ chí.

* Hỏa của lục dâm:

– Hỏa là một thứ tà khí trong lục dâm,

– Năm thứ tà khí khác (phong, hàn, thử, thấp, táo) tăng năng lên, đến mức độ nhất định có thể hóa thành hỏa.

* Hỏa của tạng khí:

– Phế nhiệt thì mũi khô, nặng thì chảy mũi nước

– Can nhiệt thì mắt có ghèn quánh

– Tâm nhiệt thì hay nói cười

– Tỳ nhiệt thì hay đói, hay khát

– Thận nhiệt thì đái nóng, đau.

* Do thần chí:

– Vui, giận, buồn, sợ hãi…kéo dài hoặc đột ngột cảm xúc cũng có thể hóa thành hỏa. Lưu Hà Giang nói: “Ngũ chí tổn thương đều có nhiệt”. Ngũ chí đó là:

– Tâm chủ về tính vui thuộc hành hỏa

– can chủ tính giận thuộc hành mộc

– Tỳ chủ về lo nghĩ thuộc hành thổ

– Phế chủ về buồn rầu thuộc hành kim

– Thận chủ về sợ hãi thuộc hành thủy.

Chu Đan Khê cũng nói: “sự biến động của ngũ chí đều có thể nhóm thành hỏa”

Ngoài ra, cũng cần nhắc lại Hỏa trong thuyết ngũ hành với các mối quan hệ với nó:

– Hỏa sinh thổ

– Mộc sinh hỏa

– Hỏa khắc kim

– Thủy khắc hỏa

Tóm lại, danh từ hỏa có nội dung khá phức tạp. Nói chung có thể chia ra làm hai loại hỏa: Thiên hỏa và Nhân hỏa.

– Thiên hỏa cũng là hỏa tiên thiên, chân hỏa, hỏa vô hình, mệnh hỏa, khí chân nguyên, khí nguyên dương, khí bị suy tổn thì phải bổ bằng tính cam ôn.

-Nhân hỏa cũng là Hỏa hậu thiên, hỏa hữu hình, thực hỏa, hỏa tà. Khi cơ thể có loại hỏa này thì phải mau chóng trừ khử đi bằng loại thuốc hàn lương.

Chân hỏa và chân âm luôn luôn tác dụng lẫn nhau. Nguyên âm và nguyên dương giống như hai cánh cửa khi mở khi khép của một cái cửa huyền vi, đó là cái cửa của sự sống: (Mệnh môn). Toàn bộ thuyết thủy hỏa, được gọi là thuyết mệnh môn.

Tổng hợp và Chình sửa của Bs Phó Đức Thảo

Bản quyền thuộc về Nhà thuốc Đông y Phúc Khang An

Lương y: Lương Ngọc Ánh

Địa chỉ: Nhà số 8 Khu đô thị Geleximco – Xã An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội

Điện thoại/Zalo: 0984686812

Email: luongngocanh68@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/yhctkhangan

Website: https://dongyphuckhangan.vn/


Posted

in

by

Tags:

Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *